Đăng Ký Học
Ngày 28/04/2021 15:46:25, lượt xem: 15657
ĐỀ BÀI:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục, tr.140)
Trình bày cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên và lao động của con người trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp thơ Huy Cận sau cách mạng tháng Tám.
BÀI LÀM:
“Trên cánh đồng văn chương màu mỡ người nghệ sĩ như những hạt cát bụi bay lượn trong không khí để tìm cho mình những dư vị còn lại.” Với Huy Cận, trước Cách mạng tháng Tám ông tìm về nơi lặng tờ của quê hương, xứ sở đó là dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, với nguồn cảm hứng được khơi dậy và đọng lại ở “Tràng Giang” thì sau Cách mạng, ta bắt gặp một hồn thơ mới có những chuyển biến từ “trong thung lũng đau thương vẫn tìm ra vũ khí để phá cô đơn ta hòa hợp với người.” Hòa nhập với cuộc sống mới đầy hứng khởi, ngòi bút Huy Cận cho ra đời bao thi phẩm hay, tràn ngập niềm vui và tin yêu cuộc sống, con người. “Đoàn thuyền đánh cá” là minh chứng rõ nét cho hồn thơ yêu đời ấy. Gấp lại những vần thơ ấy, có lẽ độc giả sẽ chẳng thể nào quên được cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển đêm qua khổ thơ ba và bốn của bài:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.”
Năm 1958, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Hồng Gai- Quảng Ninh, nhà thơ Huy Cận đã xúc động trước vẻ đẹp của cuộc sống với những người lao động nơi đây để rồi viết nên thi phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”. Cảm hứng lãng mạn tràn đầy niềm vui hào hứng về cuộc sống mới trong thời kỳ miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ cùng hòa điệu trong bài thơ, tạo nên những hình ảnh huy hoàng, tráng lệ, lung linh còn người dân chài thì rắn rỏi, khỏe khoắn, hăng say trên hành trình ra khơi đánh cá. Như âm vang nơi đây giai điệu của bài ca lao động vui tươi, hào hứng, bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” chính là khúc tráng ca ca ngợi cuộc sống và con người.
Huy Cận đã rất thành công khi miêu tả cảnh biển đêm những nét hấp dẫn của đoàn thuyền đánh cá lại chính là tinh thần, khí thế lao động của những người dân chài:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”
Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la rộng lớn kia đã trở thành con thuyền kì vĩ, khổng lồ hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ. Con thuyền đó đang bay giữa không gian trong một đêm thủy tinh tuyệt đẹp. Nó không phải là con thuyền như trong “Quê hương” của Phạm Tế Hanh:
“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.”
Mà cũng không cô đơn, nhỏ bé, lạc lõng giữa trời đất mênh mang trong “Tràng
giang” trước Cách mạng tháng Tám:
“Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Đoàn thuyền ấy lướt giữa mây cao với biển bằng, lướt giữa một không gian bao la khoáng đạt. Thiên nhiên như mở ra, bát ngát, mênh mông, trên là trời cao có trăng sáng tỏ, dưới là biển rộng bao la và ở giữa là đoàn thuyền đang lướt rất nhanh giữa khoáng không cao rộng ây. Con thuyền như hòa nhập vào thiên nhiên, nhưng không mất hút trong thiên nhiên. Giữa không gian bao la, cơn thuyền không hề bị lấn át, không hề trở nên nhỏ bé, trái lại trở thành một hình ánh trung tâm vừa đẹp vừa khỏe khoắn, vừa nên thơ. Đoàn thuyền càng đẹp, càng thơ khi gió biển thổi làm lái dẫn thuyền và trăng đậu trên cánh buồm khiến tác giả tưởng như trăng làm buồm đựng gió kéo thuyền lướt sóng. Con thuyền không phái chí của ta, của con người mà đã trở thành của cả thiên nhiên. Dường như thiên nhiên đã cùng với con người, thay thế con người chỉ huy điều khiển con thuyền. Nếu như ở đoạn đầu, thiên nhiên đã chìm vào trạng thái nghỉ ngơi mặt trời xuống biển, sóng đã cài then, đêm sập cửa, thì ở đây con người với hai câu thơ tiếp đà miêu tả cụ thể những công việc của đoàn thuyền đánh cá. Công việc đầu tiên của những người đánh cá là đi tìm luồng cá trong lòng biển. Và giữa biển khơi mênh mông khi đã tìm được luồng cá, những chiếc thuyền tỏa ra, thả lưới bủa vây. Đó là những công việc, những hoạt động bình thường của người dân chài. Nhưng qua cách miêu tả của tác giả, ta thấy những hoạt động đó giống như những hoạt động chuẩn bị cho một trận đánh. Người dân chài bước vào lao động bình thường như bước vào trận chiến đấu với vũ khí là những tấm lưới, với sức khỏe của cơ bắp, với trí thông minh và với tâm thế của người đã nắm chắc phần thắng đã đánh thức thiên nhiên, làm sống động vũ trụ, để thiên nhiên, vũ trụ cùng lao động với con người. Lòng tin yêu con người, trí tưởng tượng bay bổng đà giúp nhà thơ xây dựng được một hình ảnh thơ tuyệt đẹp và nhiều ý nghĩa.
Đại dương chứa cho mình cả kho cá bạc:
“Cá nhụ, cá chim, cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng.”
Một kho tàng biển mới phong phú, đa dạng làm sao. Trong bút pháp liệt kê, nguồn tài nguyên vô tận: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song,.. đã làm giàu thêm cho tổ quốc. Biển ta ơi, mênh mông sản vật, mênh mông tình yêu thiên nhiên và phải có thái độ trân quý, nhà thơ mới có những câu thơ đẹp đến thế! Hàng nghìn chú cá song như hành nghìn những bó đuốc rực rỡ, lấp lánh, lung linh giữa màn đêm bao la vô tận, thắp lên luồng ánh sáng, xua đi bao buốt giá tối, tăm: “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.: Không có một hồn thơ nhạy cảm, dào dạt yêu thiên nhiên, không có một đôi mắt tinh tường sao Huy Cận có thể chụp lại, có thể diễn tả lại một nét xao động, một tiếng thổn thức bé nhỏ của thiên nhiên. Cái thực là sự đa dạng về muôn ngàn loài cá “cá nhụ cá chim cùng cá đé” xen lẫn với cái ảo tưởng những con cá song lấp lánh như những ngọn đuốc hồng giữa biển đêm thăm thẳm. Cá song đã rực rỡ trong muôn ngàn cá đẹp, đã vậy cá còn cử động vô cùng mềm mại, uyển chuyển như múa tạo nên nét thơ mộng làm tâm hồn nhà thơ rung động và bật lên tiếng “em” trìu mến. Hình ảnh đã nên thơ kết hợp cùng cách gọi “em” đã biểu hiện niềm say mê cuộc sống thật hồn nhiên và mãnh liệt của những người đánh cá và trước hết là của nhà thơ. Nhà thơ mở rộng hồn mình để đón nhận bao điều kì diệu của cuộc sống, đã thỏa mãn được cái thị giác của mình, để cảm thấy nhịp thở của biển đêm qua những đợt sóng dâng lên và hạ xuống đầy ánh sao. Biển và trời như đã hòa vào nhau và hình thành nên khung trời ước mơ. Con người càng nổi bật lên giữa khung trời lung linh ấy. Một bức tranh thật đẹp. Sao như ùa xuống, hội tụ trong đáy lòng rộng mở của Huy Cận, lấp lánh, lung linh, nhuộm sáng những dòng nước Hạ long: “Đêm thở, sao lùa nước Hạ Long”. Dấu “:” chính là sự giải thích tài tình. Thật ra, là sóng biển đu đưa rì rào va đập vào mạn thuyền. Trăng, sao phản chiếu ánh sáng xuống nước biển, mỗi khi sóng vỗ nhịp tưởng như có bàn tay của sao trời đang “lùa nước Hạ Long”. Đó là sự độc đáo, mới lạ trong sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói, bằng tâm hồn hết sức tinh tế, tác giả đã cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên, vũ trụ. Chính không khí say sưa xây dựng đất nước của những năm đầu khôi phục và phát triển kinh tế là cơ sở hiện thực của những hình ảnh lãng mạn trên. Bởi thế, bài thơ như một khúc tráng ca mà Huy Cận sáng tác để ca ngợi những con người lao động mới.
Bằng nhiều hình ảnh thơ đẹp, tráng lệ với những sáng tạo thơ bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú và độc đáo cùng âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan, ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu, gợi tả, gợi cảm, bút pháp lãng mạn phát huy tối đa giá trị với các biện pháp nghệ thuật liệt kê, nhân hóa,.., Huy Cận đã vẽ lên một bức tranh lao động của người dân chài và buổi đêm, qua đó cho thấy sự đa dạng, phong phú của thiên nhiên non nước hữu tình. Thật đúng như Xuân Diệu đã viết về Huy Cận: “Huy Cận có năng lực cảm nhận cuộc sống đặc biệt, có thể nghe được từ những biểu hiện tinh vi của tạo vật đến những biến đổi lớn lao trong vũ trụ vô cùng vô tận. Đây là nhà thơ có “cái nghiêng tai kỳ diệu.”
Kỷ niệm 70 tuổi đời, ngót chục năm tuổi làm thơ, trả lời phóng viên báo Văn nghệ về sự tâm đắc nhất trong sáng tác, nhà thơ Huy Cận nói: "Con người sống trong xã hội và sống trong vũ trụ... là thành viên của vũ trụ. Đó là hai cực của cuộc sống, hai cực của tư tưởng, hai cực của nhà thơ,...". Vẻ đẹp của vũ trụ và vẻ đẹp của con người - nhất là những con người đã được giải phóng đang làm chủ cuộc đời, hòa đồng với vũ trụ - nguồn cảm hứng lớn trong thơ Huy Cận, đã tạo nên những vần thơ đẹp, làm giàu, làm đẹp thêm cho trí tuệ và tâm hồn mỗi chúng ta.
“Tập làm chủ tập làm người xây dựng
Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên.”
(Tố Hữu)
Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC CHẠY VĂN 9 – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.
Vậy còn chần chờ gì mà không nhanh tay đăng kí ngay khóa học thôi nào!
Nếu muốn biết thêm thông tin về hóa học hãy nhắn tin cho fanpage để được các tư vấn kĩ hơn cho các tình yêu nha!
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.
Tin liên quan